TỪ MỘT BẢN PHÁC THẢO
TỪ MỘT BẢN PHÁC THẢO

Một phi công trong Thế Chiến thứ nhất, một nữ bá tước, một thợ điêu khắc tài ba: đó là những yếu tố quan trọng trong một câu chuyện thú vị về sự ra đời của biểu tượng Ngựa Chồm của Ferrari, một trong những biểu tượng thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới.

 

 

Khi tay đua 25 tuổi tháo kính và phủi sạch bụi đường sau khi lái xe 44 km, tất cả những gì anh ta nghĩ đến là nhận được chiếc cúp cho giải đua GP Circuito del Savio năm 1923 ở miền Bắc nước Ý.

 

Đó là chiến thắng đầu tiên trên tay lái của một tay đua trẻ ít được biết đến: Enzo Ferrari.

 

Nhưng Savio GP cũng là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Enzo Ferrari vì những lý do khác.  Đó là sự kiện mà lần đầu tiên anh gặp ngài bá tước Enrico Baracca.

 

Giữa hai người họ đã nảy sinh một tình bạn lâu bền, và những năm sau đó, người vợ của Bá tước, (tiếng Ý gọi là Contessa) Paolina Biancoli đã đích thân thúc giục tay đua trẻ  áp dụng biểu tượng nổi tiếng đã được gắn trên máy bay hai tầng cánh của con trai Francesco yêu quý của bà – một phi công phục vụ trong Thế chiến thứ nhất và đã hy sinh năm 1918.

 

Nữ bá tước đảm bảo với Enzo rằng nó sẽ mang lại may mắn cho anh. Và trên thân chiếc máy bay ấn tượng đó có hình một con ngựa nòi màu đen.

 

Một phiên bản của biểu tượng này đã xuất hiện trên một chiếc Alfa Romeo thi đấu cho đội Scuderia Ferrari tại Spa Francorchamps vào năm 1932, được thiết kế bởi Gino Croari. Nhưng mãi đến năm 1947, khoảng 24 năm sau cuộc gặp gỡ tình cờ đó tại Savio GP, Enzo Ferrari mới nhìn thấy chiếc xe đầu tiên ở nhà máy mới của mình, chiếc 125 S huyền thoại, xuất hiện từ cánh cổng Maranello và được gắn biểu tượng hình một con ngựa chồm. Nó sẽ tham gia giải đua lần đầu tiên vào tháng 5 tại Piacenza.

 

 

Hai năm trước đó, vào năm 1945, khi bắt đầu thành lập nhà máy của mình, Enzo đã xác định rằng công ty mới sẽ có một biểu tượng đặc biệt. Có khả năng đã có một số thiết kế nội bộ ban đầu.

 

Là một người cầu toàn, Enzo đã tìm kiếm một trong những thợ khắc nghệ thuật vĩ đại nhất thế kỷ XX của Ý, Eligio Gerosa, ở Milano. Họ chắc chắn đã từng gặp nhau khi Enzo đua cho Alfa Romeo, thương hiệu với biểu tượng con rắn đang uốn lượn do công ty của Gerosa làm ra. Hơn nữa, hai người cùng có chung sự ngưỡng mộ đối với Baracca, Gerosa từng thành lập Hiệp hội Baracca để lưu giữ những kỷ niệm về người anh hùng không quân. Thật ra, Gerosa đã phát triển thiết kế chú ngựa đen Baracca cho Hiệp hội, còn đặc biệt cho nó một cái đuôi phất lên.

 

Năm 1949, công ty của Gerosa được tiếp quản bởi O.M.E.A. – Officine Meccaniche E Artistiche – thuộc sở hữu của gia đình Milanese Candiani, nhà thiết kế nổi tiếng hiện vẫn tham gia vào công ty. Những tài liệu lưu trữ của công ty O.M.E.A còn lại đến nay đã tiết lộ sự hợp tác chặt chẽ giữa Ferrari và Gerosa, người đã qua đời năm 1978, và có những bằng chứng hấp dẫn về sự phát triển của biểu tượng Ferrari mà sau này đã trở nên vô cùng nổi tiếng. Hiện nay ở tuổi tám mươi, chủ tịch công ty Emilio Candiani vẫn còn nhớ rõ những chuyến thăm của Enzo đến xưởng, và nhiều bữa trưa với người sáng lập Ferrari tại nhà hàng ‘Il Cavallino’ tại Maranello trong suốt ba mươi năm hợp tác.

 

Một tài liệu lưu trữ quan trọng là một bản phác thảo Gerosa có các chi tiết vẽ tay tinh tế mang nét đặc trưng của Da Vinci.

 

Những người lớn tuổi tại xưởng Candiani nói rằng chính Enzo Ferrari đã đích thân yêu cầu thêm một ghi chú viết tay vào bản vẽ. Dòng ghi chú quan trọng này vẫn có thể được nhìn thấy ở góc dưới cùng bên phải trong thiết kế của Gerosa, ghi: ‘Invertire il cavallo’ – ‘quay ngựa lại’. Đó là bằng chứng xác định việc chú ngựa sẽ luôn quay mặt sang trái, ngay từ những ngày đầu đã như vậy và những chiếc xe Ferrari phiên bản đường đua hay đường phố vẫn tự hào với biểu tượng không đổi cho đến tận hôm nay.

 

“Thiết kế đã có những điều chỉnh để con ngựa dần trở nên thanh hơn, tinh tế hơn”, Phó chủ tịch công ty Luigi Candiani, con trai của Emilio, giải thích. “Nó đã thay đổi nhiều, trước đó là một chú ngựa lực lưỡng, bạn có thể gọi là phiên bản đúng kiểu La Mã ‘Romagnolo'” ông cười và kể thêm về Maranello, quê hương của Emilia-Romagna.

 

Thật ra, ban đầu biểu tượng này cố ý chọn màu nền là màu vàng sáng đặc biệt để liên tưởng tới sắc màu chính thức của Modena. “Nhưng chủ yếu là ý tưởng của Enzo đã thúc đẩy mọi thứ,” Emilio Candiani nhớ lại. Ví dụ, đề xuất ban đầu cho biểu tượng gắn trên xe 125 S có ba đường cong ở trên cùng, trong màu cờ Ý. “Nhưng tôi nhớ Enzo đã nói với Gerosa, ‘Không, tôi không muốn đường cong, chúng làm tôi nhớ đến lưới tản nhiệt Bugatti. Cho tôi đường thẳng!'”

 

Khuôn mặt của con ngựa cũng dần trở nên đẹp hơn. “Từng có lúc Enzo muốn vó ngựa ở trên không mà không chạm vào chữ. Ông yêu cầu Gerosa: ‘me la faccia che voli’ – ‘làm cho nó bay cho tôi’,” Emilio cười kể lại. Một tấm bảng vinh danh những nghệ nhân Candiani tài năng đó hiện được treo tại khu nhà xưởng lịch sử ở Via Albani, Milan. Sự nghiệp riêng của Emilio Candiani đã được công nhận với danh hiệu danh dự ‘Cavaliere’ – Hiệp sĩ của ngành.

 

Cavaliere Candiani xúc động chia sẻ: “Về phần mình, chúng tôi rất tự hào vì đã đóng góp cho một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất trên thế giới. Và đó là một câu chuyện thuần chất Ý. Enzo là một người đàn ông luôn rất chuyên nghiệp, chuẩn bị tốt. Điều tôi nhớ về ông ấy là ông ấy đã tin tưởng vào dự án của mình như thế nào. Thật cảm động. Và ông ấy luôn hướng về tương lai”.